Một bài hát ít người biết tới của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nét vẽ của bạn bè.
Cho đến bây giờ có lẽ chưa mấy ai biết đến một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một nàng thơ còn ngủ yên bên “bờ biển bao la” của quê hương. Đó là bài hát "Quê hương" ông viết cho bộ phim "Bãi biển đời người" cách đây hơn 30 năm.
Người yêu nhạc Trịnh ai cũng biết anh là tác giả của những tình khúc, khắc khoải, thầm lặng với những thân phận tình yêu “để lại trong cõi thiên thai hình dáng nụ cười”. Nhưng tôi lại đến với anh trong nỗi băn khoăn của con người về cội nguồn của mình với những ước vọng luôn gắn bó máu thịt với cội rễ dân tộc mình trong bộ phim nghệ thuật. Khi đi tìm bản nhạc cho phim: “Bãi biển đời người”, tôi đã tìm đến anh. Trong phim cũng có một “đời người”, một thân phận tình yêu trên một bãi biển, như là một không gian ước lệ về quê hương của Kiều Trinh - nhân vật nữ chính của tác phẩm.
Chúng tôi hẹn gặp nhau ở một quán cà phê bên hồ Con Rùa ở trung tâm Thành phố SG. Chiều hôm ấy trời mưa lâm râm, tôi và họa sĩ Đào Đức đang đứng lóng ngóng nhìn về các ngả đường để tìm hình dáng người nhạc sĩ “bé nhỏ” nhưng lại mang một tâm hồn lớn trong những bài ca đầy tính nhân bản. Tôi tìm đến anh, còn vì lẽ âm nhạc của anh có sự đồng cảm bạn bè, anh thèm tình người hơn cõi vắng lặng, dám đi sâu vào nỗi đau nhân thế để làm vợi đi những nỗi đau. Những nỗi đau trong âm nhạc của anh đầy ắp tình yêu thương, mà sức nặng của nó là tính nhân văn cao cả.
Đang tản mạn với những ý nghĩ mông lung tìm hiểu người bạn đường mà mình đang cần đến, cũng có chút bâng khuâng như “mối tình đầu” của một tình yêu nghệ thuật của hai người nghệ sĩ còn xa lạ ở hai đầu đất nước thì tôi có linh cảm như có một ai đó đang nhìn mình ngay sát cạnh. “Ôi! Anh Sơn!” - Thay cho lời chào trang nhã thì tôi bật lên hồn nhiên như người thân lâu ngày gặp lại.
Trong quán cà phê nhỏ lúc này vắng hẳn, chỉ còn ba chúng tôi, và một cặp tình nhân ngồi nép nhau ở góc xa. Ngoài trời vẫn mưa rả rích. Buổi chiều buồn trên đường phố vắng như làm nền cho tiếng của tôi kể về một câu chuyện tình, trong đó có thân phận một tình yêu của Kiều Trinh, và số phận một đất nước sau chiến tranh có những người bỏ quê hương ra đi. Qua câu chuyện, một vấn đề được đặt ra cho cả anh và tôi là đi tìm những bí ẩn trong tâm hồn con người Việt Nam, điều gì đó có thể gây xúc động sâu sắc đối với con người để níu giữ họ không rời bỏ Tổ quốc mình.
Tôi biết trong âm nhạc của anh bên những bản tình khúc còn mang một nỗi buồn “không quê hương”, từng “phiêu lãng quên mình lãng du” bên chính đôi bờ sông Hương quê anh, đơn côi trên chiếc ghế bố, nằm co trên sàn ximăng giá lạnh trong căn nhà hoang sau Đại học Văn khoa Huế trong những ngày trốn lính; phiêu bạt trên những con đường đất đỏ cao nguyên… rồi trôi dạt về thành phố. Những ngày lưu lạc lang thang trên các nẻo đường đời ấy có lúc người nhạc sĩ tha phương phải dựa vào “trái tim cho ta nơi về nương náu”. Tôi muốn tìm nỗi đau nhân vật của tôi trong sự đồng cảm, cho đến lúc anh Sơn bật đèn lên những cảm nghĩ của mình bằng lời: “Chỉ có quê hương mới có thể níu giữ con người Việt Nam không ra đi mà thôi…”.
Hơn một tháng sau tôi được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho nghe môtíp nhạc của bộ phim, và bài hát “Quê hương” là một phần của hồn nhạc:
Quê hương trẻ mãi những tâm hồn thiêng liêng Em đi qua đó không bao giờ buồn phiền Xanh xanh cây lá biển hát chiều mưa. Quê hương nằm thức bên bờ biển bao la Sau cơn chinh chiến núi non vẫn mượt mà Bay đi trong mưa nắng những câu chuyện thần tiên.
Lời ca như một bài thơ. Phần đầu của bài hát nhạc sĩ đã khái quát được toàn cảnh đất nước sau chiến tranh, và tình yêu quê hương dạt dào như “biển hát chiều mưa”. Sự thay đổi của đất nước, con người đã trở thành tiếng thơ trong anh, và cô đúc lại thành tiếng nói tâm hồn của người nhạc sĩ. Anh đã đi từ thơ đến nhạc:
Từ ngàn xưa lúa reo trên đồng, Người ta sống hát trong nhân gian, Tình nhẹ như cánh chim cò trắng, Chờ chiều vang đi những bao ngàn năm, Tìm về trăng cuối nguồn, trái tim bốn mùa vẫn dịu dàng ngân.
Khi bài hát vang lên trong gian phòng nhỏ ấm cúng cả anh thì tâm hồn người nghe không còn bị giam hãm trong bốn bức tường, mà không gian như được mở rộng, thời gian như được kéo dài đến vô tận “từ ngàn xưa”.
Điều đáng nói ở đây, từ một nhạc sĩ với những bản tình khúc buồn, những hình ảnh cô gái đi qua đời, và cuộc đời như một đóa hoa vô thường, thì trong bài ca “Quê hương” ta như phát hiện ra một Trịnh Công Sơn vẫn còn ẩn giấu một niềm lạc quan rộng lớn đối với cuộc sống và con người, vẫn thấy cuộc đời thay lá, thay hoa và có một cái nhìn vượt thời gian với những ước mơ của người nghệ sĩ. Vì hình tượng của thi ca bao giờ cũng bắt nguồn từ cuộc sống, từ tình yêu và hy vọng, và muốn truyền đạt một ý tưởng nhân văn nào đó của tác giả đến với người cảm thụ. Đấy là sức mạnh của âm nhạc trong bộ phim để níu giữ những người con không xa rời Tổ quốc của mình. Đây cũng là chủ đề của tác phẩm “Bãi biển đời người”.
Khi dàn dựng và tạo hình, để cho hình ảnh và âm nhạc thống nhất thành một hình tượng nghệ thuật, đoàn làm phim gồm cả trăm người cùng với máy móc, xe cộ, phương tiện, lều bạt cồng kềnh “hành quân” đến Đại Lãnh - bãi biển đẹp nhất của Khánh Hòa từ hôm trước, dựng lều trại dưới những hàng dương thơ mộng như tranh đồng quê của danh họa Nga Lêvitan. Đêm ấy cả đoàn phim không mấy người ngủ yên vì ba giờ sáng đã phải dậy chuẩn bị hiện trường để sớm tinh mơ đón cảnh mặt trời mọc trong buổi rạng đông của một đất nước bao năm chìm trong khói lửa chiến tranh, giờ đây đang mở ra một ngày mới. Và con người Việt